Sự tồn tại của những lục địa này cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi, song không thể phủ nhận chúng có một sức hút bí ẩn đối với nhân loại.
1. Mu
Ý tưởng về lục địa Mu xuất hiện lần đầu tiên trong các tác phẩm của nhà khảo cổ học, nhà du hành kiêm nhà văn người Mỹ gốc Anh Augustus Le Plongeon (1825 – 1908). Trong những tháng ngày rong ruổi khắp bán đảo Yucatán (Mexico) để nghiên cứu các tàn tích của nền văn minh Maya, Plongeon đã dịch được một trong bốn văn bản bằng chữ Maya cổ đại. Trong đó có đề cập tới câu chuyện về một lục địa cổ xưa mà sau này Plongeon gọi là Mu. Theo Plongeon, Mu nằm đâu đó ở Đại Tây Dương và bị chìm giống trường hợp của lụa địa Atlantis bởi những trận động đất khủng khiếp. Những người sống sót ở Mu đã tị nạn sang Ai Cập và Yucatán để tạo nên những nền văn minh rực rỡ cho nhân loại.
Về sau, nhà văn Anh James Churchward (1851 – 1936) cũng đã nhắc tới lục địa bí ẩn này trong các trang sách của ông, nhưng dưới cái nhìn hoàn toàn khác Plongeon. Trong tác phẩm “Lục địa đã mất Mu, đất Mẹ của loài người” (1926), Churchward cho rằng Mu thực sự tồn tại ở Thái Bình Dương, từng là vùng đất tự do sinh sống của hơn 60 triệu người. Theo Churchward, chính họ là tổ tiên của nền văn minh đã mất trên lục địa Mu, đồng thời, mọi nền văn minh cổ đại đều xuất phát từ lục địa Mu mà ra. Nhưng 13.000 năm sau đó, Mu đã hoàn toàn biến mất khi một trận núi lửa ngầm phun trào, phá hủy đi tất cả.
Ngày nay, khoa học đã bác bỏ những giả thuyết trên và cho rằng, cấu trúc ngầm dưới nước ở ngoài khơi quần đảo Okinawa, Nhật Bản, có thể là vết tích của Mu. Tuy nhiên, không nhiều bằng chứng khoa học ủng hộ giả thuyết này. Các nhà địa chất tin rằng, cấu trúc bằng đá đó do quá trình địa chất và có nguồn gốc tự nhiên chứ không phải do con người tạo ra.
2. Lemuria
Lemuria là tên vùng đất đã mất theo giả thuyết và có vị trí khác nhau ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Mặc dù không còn được coi là một giả thuyết khoa học hợp lệ, Lemuria vẫn được một số người viết về chủ đề huyền bí chấp nhận. Nhà động vật học người Anh Philip Scatler (1829 – 1913) từng khẳng định rằng bán đảo Madagascar và Ấn Độ, trước khị bị tách riêng rẽ trên hai châu lục khác nhau, đã từng là nằm cùng trên một lục địa chung rộng lớn.
Nhiều nhà nghiên cứu ở thế kỷ 18 và 19 cũng đưa ra giả thuyết về một lục địa như thế giống Scatler nhưng chưa nghĩ ra được cái tên đặt cho lục địa bí ẩn này. Sau này, khi Scatler nói ra các ý tưởng, lập tức giới khoa học thời bấy giờ nghĩ đến cái tên Lemuria. Người ta bắt đầu tin rằng, Lemuria là lục địa kéo dài từ Thái Bình Dương, để tìm sự hợp lý trong giải thích về sự phân loài khác nhau trên Trái Đất.
J.H. Moore ám chỉ trong cuốn sách Sự sống sót bản năng của mình rằng, loài người tiến hóa từ những sinh vật đã từng sống ở Lemuria. Tuy nhiên, để khẳng định điều này thì không thể, vì các bằng chứng đã theo lục địa này biến mất. Câu hỏi Ấn Độ và Madagascar có cùng chung trên một lục địa hay không cho đến giờ vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
3. Thule
Nhà thám hiểm người Hy Lạp Pytheas (380-300 trước Công nguyên) là người đầu tiên viết về vùng đất Thule, một hòn đảo nằm ở phía Bắc nước Anh ngày nay. Theo những ghi chép của ông, để đi đến vùng đất nằm ở Bắc Cực này, phải mất 6 ngày lênh đênh trên biển.
Thời đó, nhiều người chưa tin vào những giả thuyết của ông. Họ còn tìm thấy nhiều tài liệu khác bác bỏ những kết luận đó và cho rằng, Pytheas nhầm Thule với một hòn đảo xa ở phương Bắc. Chính vì thế, Thule không biến mất vì động đất hay núi lửa, nó đơn giản là biến mất vì chưa từng tồn tại.
Tuy nhiên, nhiều cuộc thảo luận khoa học cận đại có phần ủng hộ Pytheas và cho rằng vùng đất mà ông nói tới liên quan đến Na Uy, bán đảo Scandinavia và Iceland.
Không ít giả thuyết cho rằng, Pytheas đang nói về một đất nước không hề có thật. Và nó là vùng đất sống của chủng tộc người khổng lồ có sức mạnh siêu nhiên Aryan. Có truyền thuyết nói rằng, Chúa Cứu thế đến từ Thule để tái tạo loài người.
4. Hyperborea
Trong các tài liệu cổ sót lại ở Hy Lạp thời cổ đại, Hyperborea là tên một vùng đất có con người sinh sống từ năm 450 trước Công nguyên. Vùng đất này nằm cách xa về phương Bắc nhiều hơn so với các vùng khác, và là nơi sinh tồn của người Hyperborean. Tại đây, mặt trời chiếu sáng quanh năm suốt tháng và chỉ lặn duy nhất một lần trong năm.
Một số văn bản chép lại rằng, một ngày của họ dài bằng 365 ngày của chúng ta thời nay và họ sống thọ đến 1.000 năm tuổi. Sở dĩ họ sống thọ đến vậy là vì không phải trải qua chiến tranh, bệnh tật. Họ sống an nhàn với việc sáng tác nhạc và các nhạc cụ liên quan. Nhiều truyền thuyết kể lại rằng, quân lính từ Đại Tây Dương đã kéo lên Hyperborea với ý định tấn công toàn diện rồi sau đó đô hộ, nhưng họ đã bị chặn lại bởi những người bạn khổng lồ của người dân nơi đây.
Sự tồn tại của Hyperborea là vấn đề được tranh cãi, bàn luận rất nhiều thời cổ đại, mặc dù có bằng chứng cho rằng vùng đất này là có thực. Nhiều người thời đó tin rằng, để tồn tại được dưới sức nóng quanh năm của Mặt trời, vùng đất này đã được di chuyển tới một nơi nào đó ở Bắc Cực, có thể là ở Siberia và phía Bắc Trung Quốc ngày nay. Trong khi đó, tác gia người Pháp Robert Charroux (1909 – 1978) lại tin rằng, người Hyperborean là những phi hành gia cổ đại đã chọn vùng đất lạnh nhất trên Trái Đất để sinh sống vì nơi đó có cùng khí hậu với hành tinh của họ.
Theo VnExpress