KHÔNG CÓ GÌ TỰ NHIÊN MÀ CÓ – Đội tuyển Bóng đá U23 Quốc gia Việt Nam

 Ảnh: Crowdy News

 

– U23 đã viết nên trang sử vàng cho bóng đá Việt Nam!

– U23 đã làm cho cả châu lục phải ngưỡng mộ (Giải Fair-play và Á quân).

Nhưng đã có tác phẩm phải có tác giả! Có kiệt tác phải có thiên tài! Có chiến công lịch sử phải có anh hùng!

Vậy ai là người anh hùng? (Ở đây ta phải hiểu như nhà lảnh đạo, nhà chiến lược)

-VFF? Tổ chưc này đã hoàn thành công tác: Đưa đón và tạo mọi điều kiên tốt đẹp nhất cho đội bóng chúng ta. Họ có đóng góp công sức, nhưng chưa thấy bóng dáng người anh hùng. Các “ông bầu” Bầu Hiển, Bầu Vượng… Là những doanh nhân thành đạt có nhiệt huyết vớí bóng đá. Các anh đã tài trợ rất nhiều tiền của công sức cho công việc làm bóng đá trẻ nói riêng, bóng đá nước nhà nói chung. Các anh rất được những người yêu bóng đá biết ơn. Các anh là những người hùng. Ông Park Hang Seo? Vâng. Ông và đội U23 Việt Nam là sự kết hợp diệu kỳ mà nhiều người gọi là kỳ duyên. Đã tạo ra một đội bóng có chiến thuật biến ảo khôn lường, công thủ vẹn toàn làm cho mọi đối thủ đều e dè nếu không muốn nói là khiếp sợ! Trước đây U19 Việt Nam đã trình diễn một lối chơi tấn công đẹp mắt làm say đắm lòng người, nhưng ta cảm thấy lo lắng. Hôm nay, U23 Việt Nam (phần lớn là U19 ngày xưa) đã phô diễn một lối chơi quyến rũ không kém, nhưng được chúng ta đặt trọn niềm tin . Phải nói dưới bàn tay tài hoa của ông thầy Hàn, các cầu thủ của chúng ta đã biến thành những viên trân châu sáng lấp lánh trên bầu trời châu Á, làm cho tất cả các câu lạc bộ hàng đầu châu lục phải ngước nhìn, thèm khát.

Ông đã làm cho các huấn luyện viên trong cũng như ngoài nước phải ngã mũ. Ông đã được nhận Huân chương Lao động hạng III. Ông đã được cả dân tộc ta biết ơn.

Ông là người hùng của dân tộc ta. Nhưng ông chưa phải là người anh hùng!

– Người đội trưởng tài hoa Lương Xuân Trường? Vâng! Chàng tiền vệ tài đức vẹn toàn, biết cầm chịch trận đấu, có những đường chuyền “quỷ khóc thần sầu”. Xé toạc hàng phòng thủ của các đội bạn. Hay Quang Hải? Chàng cầu thủ tài năng sở hữu chiếc chân trái thiên tài, sử dụng trái bóng vẽ ra những đường cong ảo diệu trên bầu trời Trung Quốc, xé toang những mảnh lưới của các cường quốc bóng đá châu Á. Hay Công Phượng, Văn Thành… Vâng! Các em đúng là những chiến binh quả cảm, các em là những người hùng của dân tộc.

 Ảnh:  http://bongdacuocsong.net

Nhưng người anh hùng của dân tộc chỉ có một! Đó là ông Đoàn Nguyên Đức! Một cái tên không xa lạ với những người yêu bóng đá. Một số người thấy bất ngờ, một số người phản bác. Nhưng cũng có một số không ít cảm thấy có lý.

Tôi biết anh từ thời niên thiếu. Anh là con người rất thông minh, nhạy bén, quyết đoán, nhưng đặc biệt: Anh là người sống rất có tình, có nghĩa. Tính cách của anh đại đa số chúng ta đã biết. Nhưng có một chi tiết quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp anh mà ít người biết. Đó là bóng đá! Trái bóng đã từng cứu lấy sự nghiệp anh trong thời gian còn nghèo khổ (đây là câu chuyện có thật 100% nếu có dịp tôi sẽ kể cho các bạn). Chính vì chuyện này anh đã thấy trước chúng ta sức mạnh vô bờ của bóng đá. Khi có tiền của là anh lao vào làm bóng đá để tỏ lòng tri ân quả bóng, để quê hương thoát khỏi nghèo khổ.

Như chúng ta đã biết anh từng được coi là “Đức ngông” vì dám bỏ ra một tài sản khổng lồ để mua về những danh thủ hàng đầu Đông Nam Á (đa số là người Thái). Gia Lai từ đội bóng không tên tuổi (A2) 1 năm sau đã lên hạng A1 (2002 lúc này đã đổi tên thành CLB HAGL) rồi vô địch V. League (2003, 2004). Cũng từ đó người ta đã biết quê tôi ít nhiều.

Riêng chúng tôi (những tín đồ yêu bóng đá). Trước thời điểm đó những danh thủ nước nhà mà chúng tôi yêu quý như: Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Việt Hoàng… chúng tôi chỉ thấy qua báo đài. Nhưng ở thời điểm đó, chúng tôi được chứng kiến họ bằng xương, bằng thịt thi đấu trên sân chúng tôi, chẳng những thế họ còn là bại tướng trước đội bóng chúng tôi. Còn gì sung sướng hơn!

Nhưng với anh không dừng lại ở đó, với tầm nhìn xa trông rộng của mình. Anh hiểu rằng thành công ngày hôm nay luôn chỉ là một cách “xây nhà từ nóc”.

Nói là làm! Anh lặn lội qua tận trời Âu, đến từng nước có nền bóng đá phát triển, có các câu lạc bộ nổi tiếng thế giới: MU, Real, Barcelona, Arsenal… Sau những ngày tháng bôn ba tìm tòi, cuối cùng anh cũng chọn được mô hình đào tạo bóng đá trẻ của Arsenal. Vì anh nghĩ nó phù hợp với tố chất của người Việt Nam. Những gì diễn ra sau đó thì các bạn đã biết.

Ảnh: Goal.com

Riêng ở quê tôi, thấy anh một mặt phá rừng cao su (đang thu hoạch) để làm học viện bóng đá, một mặt anh thuê chuyên gia để săn tìm tài năng bóng đá nhi đồng trên toàn quốc bằng cả một núi tiền của mình. Bà con, người thân trong gia đình tiếc đứt ruột đứt gan, bạn bè thì can ngăn. “Thằng Đức khùng”, “Thằng Đức điên”. Mặc kệ tất cả, anh quyết tâm thực hiện hoài bão của mình: “Tôi muốn đưa bóng đá nước nhà vượt qua người Thái, để dân tộc mình nở mày nở mặt với người ta”. “Mình không làm thì chờ ai làm”. Bỏ ngoài tai tất cả, bằng niềm tin sắt đá vào con đường mình chọn. Anh đã bền bỉ “cầy bừa, vun xới, ươm trồng ”cho những mầm non tài năng bóng đá bằng cả khối tài sản khổng lồ và tâm huyết của mình.

“Trời không phụ lòng người”. 7 năm sau U19 ra đời đã trình diễn một thứ bóng đá tấn công đẹp mắt, không một chút tì vết bạo lực. U19 đã làm ngất ngây trái tim của những người yêu bóng đá đẹp. Làm thức tỉnh lại những trái tim đã nguội lạnh với bóng đá nước nhà… Sức lan tỏa của U19 như thế nào chắc các bạn đã biết. Riêng quê tôi được người ta biết đến nhiều hơn, phố núi thay da đổi thịt mỗi ngày, đời sống người dân khá dần lên. Từ một tỉnh nghèo ở vùng cao nay đã vươn lên ngang tầm với những tỉnh thành khác. Đi đâu, đã nói là người Gia Lai ai cũng ngước nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ. Người dân quê tôi vô cùng biết ơn anh. Anh là người anh hùng trong lòng người dân phố núi.

Hôm nay, U23 Việt Nam đã lập được kỳ tích. Trong chiến thắng vang dội này công lao của cá nhân anh đã đóng góp một nửa nếu không muốn nói là hơn! Bởi lẽ:

Tâm huyết và núi tiền của anh cống hiến cho bóng đá thì ai cũng biết. Lĩnh vực này tôi chỉ muốn chia sẻ thêm một chút. Anh không phải là người giàu nhất, nhưng anh đã trút ra một số tiền khủng cho bóng đá. Nếu chúng ta chịu khó tính toán thì mỗi cầu thủ khóa I của học viện như: Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng… đã“ ngốn” của anh không dưới 1 triệu đô! Số tiền này nếu quy đổi ra vàng thì có thể nói: Đôi chân của các cầu thủ nêu trên được đúc bằng vàng ròng của anh! Đúng từ nghĩa đen đến nghĩa bóng.

– Anh là người đã thấy trước chúng ta sức mạnh vô bờ của bóng đá. Nó có thể kéo lên một sự nghiệp, vực dậy nền kinh tế của một quê hương, một dân tộc! Mà hôm nay chúng ta mới diện kiến sức mạnh, sức lan tỏa kinh hoàng của bóng đá trên quê hương mình.

– Anh cũng là người Việt Nam đầu tiên tìm ra con đường khoa học nhất, hợp lý nhất, để khai thác tiềm năng bóng đá Việt Nam (đào tạo bóng đá trẻ). Đặt nền tảng cho bóng đá nước nhà phát triển bền vững.

Và cũng chính anh là người tiên phong, dám đổ ra một núi tiền để “vô vọng” chứng minh định hướng của mình là đúng. Vì sao?

Xét về mặt người dân: Đa số lúc đó chúng ta không có tầm nhìn như anh. Một số có thể cảm nhận được nhưng không có tiền của để làm. Cũng có thể có một số ít những doanh nhân thành đạt thấy nhưng không dám mạo hiểm. Bởi lẽ: làm bóng đá trẻ thì phải tốn một số tiền khủng, là công việc dài hơi, rủi ro quá nhiều.

 

Về mặt LĐBĐVN, lúc đó thì không có tầm, không thấy. Ít ỏi trong số họ có thể có tầm, nhưng “dại” gì làm một công việc công cốc, không thiết thực, cần làm những gì “thực tế” hơn!

Khi Học viện HAGL Arsenal JMG tạo được tiếng vang, là học viện đào tạo bóng đá trẻ có quy mô lớn nhất Đông Nam Á (qua các phóng sự), lập tức nó tạo ra hiệu ứng tích cực cho bóng đá nước nhà (thu hút nhiều doanh nhân thành đạt, có tâm huyết với bóng đá, chịu trút hầu bao của mình chung tay làm bóng đá trẻ như: Bầu Hiển, Bầu Vượng, Bầu Kiên… Với các học viện, câu lạc bộ Hà Nội FC, PVF, Viettel…). Tài năng bóng đá Việt Nam được khai thác và đào tạo bài bản trên mọi miền đất nước.

Hôm nay chúng ta đã có một lứa cầu thủ tài năng xuất chúng, tự tin thi đấu sòng phẳng và từng bước hạ gục đa trong số những đội bóng mà được coi là cường quốc bóng đá châu lục. Vâng! “Không thể nào tìn nổi!!” Nhưng phải tin! U23 đã cho chúng ta niềm kiêu hãnh bất tận, những giây phút hạnh phúc đến hả hê!

“Không có gì tự nhiên mà có!”.

Chưa hết! Anh cũng là người Việt Nam đầu tiên đưa văn hóa vào bóng đá (ngoài bóng đá các em vẫn được học phổ thông như mọi học trò đang ngồi trên ghế nhà trường). Chẳng những vậy, anh còn chú trọng đến: Rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, ngoại ngữ… Anh từng nói “Các cầu thủ của tôi có thể đá bóng không giỏi, nhưng chắc chắn sẽ là những người công dân tốt”, tuyệt vời!

Lạ hơn! Anh còn quan tâm đến hoàn cảnh gia đình của từng cầu thủ (đa số gia đình các em còn nghèo) và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ai hỏi “Sao anh bao đồng vậy?”. Anh trả lời đơn giản “Để mấy đứa nhỏ yên tâm học hành”. Trên cả tuyệt vời về nhân cách sống!

U23 chẳng những làm cả dân tộc ta say đắm, tự hào mà còn làm cả những người yêu bóng đá đẹp trên thế giới phải ngưỡng mộ, yêu mến. Bằng chứng là giải Fair-play mà Liên đoàn bóng đá châu Á đã trân trọng trao cho chúng ta. Đây cũng là thành công vang dội không kém kỳ tích Á quân châu lục của bóng đá trẻ Việt Nam. Ở vòng chung kết U23 châu Á, nếu xét về tài năng ta về nhì, nhưng nếu xét tài và đức, đội bóng chúng ta mới là nhà vô địch!

Một số ít người có thể hoài nghi: Kỳ tích Á quân của U23 là có phần may mắn, nhưng giải Fair-play cho U23 là không may mắn bao giờ. Mà anh lại là cha đẻ của tính nhân văn trong bóng đá Việt Nam. “Không có gì tự nhiên mà có!”.

– Cuối cùng bằng tầm nhìn xa trông rộng, bằng những giác quan nhạy bén của mình, anh đã phát hiện và “sắm” về vị huấn luyện viên tài năng Park Hang Seo. Dưới bàn tay tài hoa của ông thầy Hàn này, đã thu nhỏ những khối vàng nguyên chất (nếu cộng cả dòng máu lạc hồng và tài năng bóng đá bẩm sinh với tiền của đào tạo thì giá trị mỗi cầu thủ U23 đúng là vậy) thành những viên hồng ngọc, mà giờ đây chúng ta phải công nhận là tài sản vô giá của quốc gia!

Nếu nói kỳ tích của U23 là kiệt tác cũng đúng! Thì mỗi cầu thủ U23 là những chất liệu vàng, tạo ra nữa mảng, còn thầy Seo là mảnh ghép hoàn hảo mà cũng chính tay anh gắn lên. Thầy Seo và U23 là sự kết hợp diệu kỳ để bóng đá nước nhà có được kiệt tác. Mà đã là kiệt tác thì bất hủ với thời gian, không chỉ riêng thế hệ chúng ta tự hào chiêm ngưỡng mà cho cả những thế hệ mai sau. Kiệt tác và anh xứng đáng đi vào sách sử.

Nếu nói kỳ tích của U23 là chiến công lịch sử cũng không sai! Cách đây hơn 10 năm anh đã nghĩ ra: Làm cách nào để đoàn quân của một đất nước nhỏ bé ,có thể chiến đấu sòng phẳng, có thể chiến thắng những đoàn hùng binh của các nước lớn (Tìm ra mô hình đào tao bóng đá trẻ, khoa học nhất, hợp lý nhất cho bóng đá VN). Rồi anh chiêu binh mãi võ (săn tìm tài năng trên toàn quốc, rèn luyện, đào tạo bài bản trong một chuổi dài của thời gian…10năm !) chiêu hiền đãi sỹ, thu hút anh hùng hào kiệt (thu hút những nhà hảo tâm, những người có nhiệt huyết với bóng đá chung tay làm bóng đá trẻ). Rồi anh săn tìm tướng giỏi (ông thầy Seo) để bày binh bố trận. Đoàn quân của anh với những chiến binh đã tôi luyện kỳ công, kỹ cương siết chặt chiến thuật biến ảo khôn lường, tạo ra những trận đánh “kinh thiên động địa”!

Các chiến binh quả cảm của chúng ta đã bắt các đoàn quân có “binh hùng tướng mạnh” của các cường quốc châu lục phải mở to mắt! Từ coi thường (một nước nhược tiểu) đến e dè rồi khiếp sợ! Quân tướng họ bị quân ta đánh cho tan nát, đến khi gục ngã dưới chân ta mà miệng còn há hốc: “Không thể nào tin nổi!”.

Còn gì kiêu hãnh hơn! Còn gì tự hào hơn! Triệu triệu người Việt Nam hạnh phúc ngập đầy! Hào khí Việt Nam ngút trời!

– Anh ! là nhà chiến lược đại tài.

– Anh ! là nhà lãnh đạo xuất chúng.

– Anh xứng đáng là người anh hùng dân tộc trong thời đại hôm nay!

Dẫu biết rằng “Một con én không làm nổi mùa xuân…”  U23 chỉ là một giải trẻ so với cả nền bóng đá lâu dài của dân tộc. “…Nhưng con én báo hiệu mùa xuân sắp về”. Vâng! Cánh én nhỏ nhoi nhưng quý báu này đã xuất hiện trong mùa đông lạnh lẽo của bóng đá nước nhà, nó báo hiệu mùa xuân “bóng đá” nước nhà đang về. Nếu quy luật là không đổi. Nếu những nhà lãnh đạo biết cư xử hợp tình, hợp lý hơn với những người làm bóng đá, người yêu bóng đá, thì tôi tin chắc một ngày không xa nữa bóng đá của nước nhà sẽ vươn tầm châu lục, nền kinh tế của đất nước cũng phồn thịnh hơn.

Cho nên tôi nghĩ:

– Dân tộc ta còn nợ anh một lời tri ân sâu sắc (một số chúng ta đã bày tò lòng biết ơn, nhưng không phải là tất cả).

– Tổ quốc ta còn nợ anh một tấm Huân chương Lao động hạng nhất.

– Đất nước ngàn năm vừa có thêm một anh hùng mà Nhà nước cần nên công nhận.

Gần 20 năm của quảng đời đẹp nhất một người đàn ông. Anh đã cống hiến trọn vẹn cho bóng đá nước nhà. “Để dân tộc mình nở mày, nở mặt với người ta!”

Anh là người hạnh phúc nhất! Bởi vì: “Sống cho nhiều người hạnh phúc là người hạnh phúc nhất!”.

Chúc mừng anh!

Và cuối cùng, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cần một người có tâm, người có tầm, cần một người dẫn dắt kiến tạo, cần một người chủ tịch như anh.

   NVT