Bến Tre không có núi đồi, hang động, bãi biển đẹp thu hút du khách nhưng một chàng trai 8X đã thành công bằng khai thác tài nguyên bản địa làm nên những tour du lịch thú vị, khiến du khách hài lòng.
Từ việc tạo sự khác biệt…
Khi khởi nghiệp làm du lịch, chàng trai 8X (SN 1983) Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty TNHH truyền thông du lịch C2T (C2T) ở Bến Tre đã nhìn thấy việc đưa du khách đến những vườn sinh thái hoặc khu du lịch có thiết kế những trò chơi… rồi tiệc tùng với cá tai tượng chiên xù…, rất giống nhiều nơi ở miền tây, sẽ làm khách nhàm chán.
Là người sinh ra và lớn lên ở xứ dừa sông nước, anh yêu cuộc sống người dân nơi thôn dã miệt vườn chất phác, thật thà. Ẩm thực nơi này ngon và lạ với nhiều vùng, miền trong nước.
Ý tưởng khai thác tài nguyên bản địa làm du lịch hình thành trong anh: Bến Tre có nhiều sông rạch, bờ sông nhiều dừa nước hơn các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có những hàng bần chua bốn mùa trĩu trái, những con đường ở xã nông thôn mới trải đầy hoa, có rừng ngập mặn, có huyện Giồng Trôm là vùng đất sản sinh nhiều vị tướng, nhà lãnh đạo tài giỏi… Đầu tư những tour miệt vườn, sông nước, đưa du khách trải nghiệm cuộc sống miền quê, hay lắm chứ! Anh đến các nhà vườn liên kết xây dựng các chuỗi đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm. Nhà vườn được lợi.
Ở huyện Châu Thành có nhiều vườn chôm chôm, anh liên kết nhà vườn với nhiều ha trồng chôm chôm sạch, xử lý cây thay nhau cho trái, quanh năm đều có chôm chôm chín cho khách tham quan tự hái. Giá bán chôm chôm ở các vườn luôn ổn định, không tăng cao vào nghịch vụ vì ngoài bán chôm chôm, các nhà vườn còn bán được thực phẩm cho du khách. Khi xây dựng vườn du lịch, anh góp ý nhà vườn chỉnh trang vườn trái cây, đầu tư bàn ăn, ghế ngồi dưới tán cây, cầu dừa qua bờ vườn… Việc bán thức ăn, trái cây không chặt chém vì đây không chỉ C2T mang tiếng xấu mà cả tỉnh Bến Tre xấu lây, nơi nào “chặt chém”, C2T cho ra khỏi chuỗi.
Về miệt biển, anh hình thành tour du lịch nơi rừng ngập mặn, ở đây du khách được trải nghiệm đi trên bãi bồi bùn mát mịn, bẫy cá thòi lòi biển, chế biến món cá nướng muối ớt. Hái bần nấu canh chua cá. Rồi bẫy cua, khách rất thích thú được tự tay trói con cua biển thành công. Cua mới bắt, khách luộc ăn thấy thích thú vì nó ngọt. Tour du lịch nơi rừng ngập mặn, du khách còn được thông tin về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tham gia trồng rừng bảo vệ miền đất phía sau.
Tour du lịch biển của C2T còn có cồn Chài Mười. Cồn này lạ là có rất nhiều ốc viết, sóng biển đưa vỏ ốc dạt vào bờ thành bờ đê chắn sóng thẳng hàng cao gần 1 m. Nơi này được du khách nước ngoài đánh giá có một không hai trên thế giới. Đến cồn Chài Mười, du khách được tự tay bắt ốc viết và luộc ăn với muối tiêu…
Ở TP Bến Tre, anh có tour du lịch “Thành phố dưới tán dừa”, đưa du khách đi tàu trên sông Bến Tre, bên bờ nam có những hàng bần quanh năm trĩu trái. Đây là những cây bần thiên nhiên giữ đất bờ sông, ngăn sạt lở. Du khách được trải nghiệm hái bần và ăn trái bần chua chấm muối ớt, vị chua chua, cay cay, mằn mặn làm cho khách thích thú.
Theo dòng sông Bến Tre, tàu du lịch rẽ vào những con rạch êm ả với hàng dừa nước trải dài thơ mộng. Đây là những hàng dừa nước mọc tự nhiên được người dân gìn giữ để bảo vệ đất hai bên bờ không bị sạt lở. Những nhánh sông êm ả, thơ mộng này đưa du khách đến những vườn dừa xanh mát ở xã Nhơn Thạnh, TP Bến Tre. Ở tour du lịch này, khách được mời giải khát nước dừa dứa và được hướng dẫn viên chỉ cách phân biệt cây dừa dứa khác với dừa xiêm như thế nào. Rồi khách được trải nghiệm cách làm kẹo dừa, được nếm hương vị của kẹo dừa thơm, ngọt béo. Đến bữa cơm, khách sẽ được mời ăn ở “nhà hàng” nơi thôn dã, đó là những bàn ăn ở nhà dân với những món ăn bản địa vừa lạ vừa ngon như tép rang dừa, canh chua tép, cá kèo, cá rô, cá bóng cát… kho tộ… Tất cả đều là sản vật của sông nước Bến Tre.
Tour du lịch “Thành phố dưới tán dừa” kéo dài đến tối, du khách được trải nghiệm đốt đuốc lá dừa, di chuyển về bến sông. Anh Phong thuyết trình cho khách biết đây là văn hóa đuốc lá dừa của người Bến Tre. Ngày xưa khi chưa có đèn pin, nhà nhà ở nông thôn Bến Tre đều bó sẵn nhiều cây đuốc lá dừa dành tặng khách đi đường ban đêm. Trong hành trình về đêm trên sông Bến Tre, khách còn được tàu du lịch đưa đến những hàng bần xem đom đóm chớp tắt như những cây thông Noel.
Trên sông nước Bến Tre còn có một khu chợ đặc biệt, duy nhất ở ĐBSCL: chợ dừa trên sông Thom (huyện Mỏ Cày Bắc). Nơi này, các tỉnh có trồng dừa ở ĐBSCL, chở dừa đến bán và hình thành chợ dừa trên sông. Chợ dừa có tự lâu rồi nhưng chưa có công ty du lịch nào đưa khách đến tham quan, anh Phong hình thành tour đưa khách đến chợ dừa. Ở đây, du khách được xem cảnh hàng chục ghe, tàu chở dừa đến bán cho các vựa, xem công nhân lột dừa thoăn thoắt bằng cây nầm, máy sản xuất chỉ xơ dừa… và được thưởng thức mọng dừa vừa giòn, vừa ngọt. Ở những con đường xã nông thôn mới trồng nhiều hoa, anh còn liên kết với nhà dân cho khách thuê xe đạp đi ngắm hoa nở đẹp hai bên đường.
Khách đến với du lịch C2T còn được thưởng thức những món ăn dân dã như chuối xiêm luộc dẻo quết với khoai mì, gói lá cách chấm nước mắm tỏi ớt. Bánh xèo chiên tới đâu dùng tới đó, hấp bánh chuối tại chỗ, rồi thưởng thức bánh dừa, bánh cúng, chuối sáp luộc… là những món ăn nơi thôn quê ở xứ dừa.
Khi trong chuỗi liên kết có gia đình tổ chức đám giỗ, đám hỏi, đám cưới, khách cũng được mời dự, nhiều du khách người nước ngoài rất thích thú khi trải nghiệm đám giỗ, lễ hỏi, cưới của người Việt ở miền Tây. Chị Nguyễn Thị Thanh Phương, công tác ở Sở Y tế Đác Lắc trong chuyến du lịch Bến Tre có cảm nhận: sông nước Bến Tre đẹp, dừa nước hai bên bờ sông rất thơ mộng. Người Bến Tre chất phác, thật thà hiếu khách.
Trong các chuỗi liên kết, C2T còn tạo nhiều việc làm, thu nhập cho các gia đình là điểm dừng chân du khách, trong đó có hàng chục người chèo đò, lái xe ôm, gia đình cho khách thuê xe đạp…
… Đến thu hút khách tìm về
Khi hướng dẫn du khách đến các điểm du lịch, anh Phong luôn chú ý việc giới thiệu, quảng bá về địa danh, phong tục, tập quán con người Bến Tre. Trong các tour du lịch, anh vừa làm hướng dẫn viên, vừa giới thiệu những cái đẹp, nét đặc sắc ở xứ dừa và bố trí chụp ảnh, quay video clip lưu niệm cho khách. Khi khách về là có ngay ảnh, video clip trong email hoặc facebook của mình. Xuất thân làm truyền hình nên các sản phẩm chụp ảnh, quay phim của anh luôn được khách hài lòng. Theo anh Phong, chụp ảnh, quay video clip hình ảnh của xứ dừa tặng khách, họ sẽ giới thiệu, quảng bá thay mình cho bạn bè, người thân, thông qua đó sẽ ngày càng có thêm nhiều người đến du lịch ở xứ dừa. Anh tạo add đưa lên mạng để khách có thể vào tìm hiểu về các tour du lịch của C2T, rồi thời tiết, giá cả…
Khi đoàn khách đến, anh đón tiếp và tặng hoa được kết bằng lá dừa, một sản phẩm khởi nghiệp của các cô gái Nhóm thắt lá dừa Bến Tre; tặng dép tổ ong cho khách mang và là món quà kỷ niệm của C2T.
Khai thác tài nguyên bản địa làm du lịch, anh luôn tìm cái mới, cái lạ phục vụ du khách. Những lúc rảnh rang, anh thường lái xe rong ruổi về các miền quê tìm những phong cảnh đẹp, đó là những con đường mới được sửa sang, trồng nhiều cây xanh, hoa nở hai bên đường của xã nông thôn mới. Anh tìm những nhân vật nổi tiếng như ông Đỗ Thành Thưởng, được gọi là vua dừa ở Bến Tre và mời ông liên kết làm du lịch, xem bảo tàng dừa của ông, xem cây dừa trăm tuổi. Anh đến những địa phương có di sản văn hóa, lịch sử, làng nghề độc, lạ xây dựng tour du lịch mới đưa khách đến tham quan…
Nói về ý nghĩa của tên gọi C2T, anh Võ Văn Phong cho biết: C2T là chỉ có tận tâm, tận tình. Năng động khai thác tiềm năng bản địa đi đôi với truyền thông cho du khách về những đặc sắc của xứ dừa, du khách đến với các tour của C2T ngày một đông. Hằng tháng du lịch C2T có từ 500 – 800 khách.
Dự án khởi nghiệp khai thác tài nguyên bản địa làm du lịch của anh Phong khi đưa dự thi, nhiều người cho là khó đoạt giải nhưng đã giành Giải nhất tại cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp lần thứ tư do Trung tâm nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (BSA) tổ chức vào năm 2018 tại TP Hồ Chí Minh.“Giám đốc Công ty du lịch C2T Võ Văn Phong là người trẻ, năng động, có tài, chịu khó tìm tòi sự khác biệt làm du lịch. Phong chú trọng truyền thông, quảng bá cái hay, cái đẹp của tỉnh, làm khách đến hài lòng”, ông Lê Văn Luông, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư du lịch tỉnh Bến Tre.
BÀI & ẢNH: LỮ THẾ NHÃ
Báo Nhân Dân